Trò chuyện cùng chuyên gia: Làm thế nào để quản trị dòng tiền hiệu quả? (Phần 1)

  • cashflow-management-1cashflow-management-1

Chào Cô, cám ơn Cô đã dành thời gian để chia sẻ cho chuyên mục “Quản trị tài chính cùng UOB”. Được biết Cô đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, Cô có thể cho biết thêm hiện Cô đang giảng dạy và công tác ở đâu?

Chào bạn, Cô rất vui khi có thể chia sẻ đến bạn đọc các thông tin mà mình có được qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Cô tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Tài chính tại Đại học Exeter, Anh Quốc. Đến nay, Cô đã có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính trong các lĩnh vực về tài chính doanh nghiệp, quản trị rủi ro tài chính. Cô hiện là giảng viên tài chính trường Đại học Ngoại thương, đồng thời là Chuyên gia Phân tích tài chính (CFA) và là thành viên Hiệp hội CFA Thái Lan. Ngoài ra, Cô cũng là Chuyên gia Quản trị rủi ro tài chính (FRM – Financial Risk Manager) do Hiệp hội Chuyên gia quản trị rủi ro toàn cầu (GARP) công nhận.

Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo & tư vấn về lĩnh vực tài chính như vậy, Cô có thể cho biết các Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay thường gặp khó khăn gì về việc quản lý tài chính công ty?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, kể cả các nước có trình độ phát triển cao. Ở Việt nam, các DNNVV chiếm 98% số doanh nghiệp (khoảng 700.000 doanh nghiệp), cung cấp việc làm cho 78% lực lượng lao động và đóng góp 49% vào GDP, và 41% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động của các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi tháng có khoảng 7000 doanh nghiệp đóng cửa, trong đó chủ yếu là DNNVV. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các DNNVV Việt Nam có năng lực quản trị tài chính yếu: quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế, đầu tư vào tài sản cố định và đầu tư dài hạn còn ít, khả năng quản trị vốn còn nhiều bất cập, khả năng sinh lời thấp.

Trao đổi với các chủ DNNVV cho thấy các chủ doanh nghiệp có kỹ năng và năng lực cao đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ, nhưng họ lại thiếu nhiều kỹ năng để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, đặc biệt về quản trị tài chính. Nhiều chủ doanh nghiệp không trực tiếp hoặc không muốn trực tiếp liên quan đến hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp. Điều này có thể do chủ doanh nghiệp quá bận rộn với các hoạt động khác của doanh nghiệp như sản xuất, tìm kiếm thị trường, quản trị nhân sự, hoặc không có kiến thức (hoặc mối quan tâm) về các hoạt động tài chính và quản trị tài chính. Họ dựa nhiều vào bộ phận kế toán của mình, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận kế toán riêng. Rất nhiều DNNVV thuê kế toán bên ngoài để lập sổ sách kế toán của doanh nghiệp, và các sổ sách này chủ yếu phục vụ kế toán thuế.

Một trong những rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các DNNVV là thiếu vốn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn đã đành nhưng các doanh nghiệp đã hoạt động cũng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao nhưng vẫn thiếu vốn. Vốn là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại cho một DNNVV. Các DNNVV thường nói rằng kiểm soát dòng tiền hiệu quả là mối quan tâm lớn nhất của họ.

Quản trị dòng tiền là một trong những nội dung quan trọng nhất trong quản trị tài chính của các DNNVV. Kết quả thống kê ở Mỹ cho thấy 82% các DNNVV thất bại do gặp vấn đề về dòng tiền1. Tuy nhiên, nhiều DNNVV không phân biệt được lợi nhuận và dòng tiền. Kế toán tổng hợp không tập trung vào dòng tiền, mà tập trung vào thu nhập ròng hoặc lợi nhuận. Nhiều DNNVV có lợi nhuận nhưng vẫn gặp vấn đề về dòng tiền. Quản trị dòng tiền là một trong những chìa khóa để thành công trong bất kỳ hoạt động kinh doanh.

(còn tiếp)

1Jessie Hagen of U.S. Bank, đăng trên SCORE/Counselors của America’s Small Business  http://www.score.org 

   

Trong chuỗi bài phỏng vấn cùng Cô Hoàng Anh tiếp theo, hãy cùng UOB lắng nghe Cô chia sẻ về tầm quan trọng của kế hoạch Quản trị dòng tiền được Cô dẫn chứng qua những ví dụ cụ thể. Nếu bạn có câu hỏi muốn gửi đến Cô Hoàng Anh, hãy để lại tin nhắn ngay dưới bài viết này, UOB sẽ cùng Cô Hoàng Anh phản hồi sớm nhất đến bạn.

Ý kiến

Nguyễn Trọng Nhân, Trưởng Phòng

Với các DNVVN thì việc vay vốn là vô cùng khó khăn chính vì vậy mà việc mình dự trù nguồn vốn là rất cần thiết cho việc phát triển của doanh nghiệp không bị bị động mỗi khi cần vốn

Đoàn Minh Tú, Trưởng Phòng Kinh Doanh

Đồng ý với ý kiến của chuyên gia phân tích , muốn quản trị dược dòng tiền thì mỗi doanh nghiệp cần lập được một kế hoạch cho dòng tiền cho những năm tiếp theo, bằng cách phán đoán thị trường trong tương lai gần.

Nguyễn Bá Phước, Kế toán trưởng

Với các DNVVN thì bản thân những người lãnh đạo xuất phát điểm cũng là những người kinh doanh thông thường, nên việc nắm rõ những kiến thức về dòng tiền vẫn còn hạn chế, dẫn tới tình trạng bị động trong nguồn tiền.

Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc

Thu hồi các khoản thu một cách triệt để, hoặc khi huy động vốn mình sẽ có những chính sách phù hợp để thu được lượng tiền mặt nhiều nhất cũng là một cách giúp DNVVN quản trị dòng tiền.

Bùi Quang Minh, Trưởng phòng nhân sự

Chủ động dòng tiền đối với các DNVVN cực kì quan trọng, quản lý tốt dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp sẽ giúp bạn hạn chế được các khoản vay không cần thiết giúp doanh nghiệp đỡ được các khoản nợ.